Quinvaxem

Vắc xin Quinvaxem do hãng Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và được WHO khuyến cáo sử dụng từ năm 2006. Tính tới nay hơn 400 triệu liều vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng ở 91 quốc gia.

Vắc xin Quinvaxem còn gọi là vắc xin “5 trong 1” là vắc xin phối hợp gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên vi rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib).

Vắc xin Quinvaxem là loại vắc xin phối hợp phòng được 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Sử dụng vắc xin phối hợp Quinvaxem sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tác dụng phụ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Hầu hết các phản ứng tại chỗ cũng như toàn thân là nhẹ và chỉ xuất hiện trong vòng 2-3 ngày sau tiêm vắc xin như:
–  Sưng/đỏ/đau nơi tiêm
–  Sốt nhẹ dưới 38 độ
– Quấy khóc khó chịu nhiều hơn bình thường
–  Ăn/bú kém hơn
Sau tiêm chủng cần chú ý đến trẻ, cho trẻ bú nhiều hơn, cho bú khi trẻ thức, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Theo dõi sát nhiệt độ của trẻ, khi trẻ sốt cần phải đo nhiệt độ, lau mát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của nhân viên y tế.
Cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm
Sau tiêm vắc xin phụ huynh cần ở lại điểm tiêm và theo dõi trong vòng 30 phút sau tiêm. Phụ huynh khi đưa trẻ về nhà cần lưu ý phải theo dõi sức khỏe trẻ liên tục ngay cả khi trẻ ngủ và ít nhất trong vòng 1 ngày (24 giờ).
Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái… đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khuyến cáo tiêm ngừa phòng bệnh cho trẻ hiện nay.
Vì sức khỏe con em các bậc phụ huynh nên:
– Thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ để có cơ hội tiêm chủng đúng lịch.
– Đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng đầy đủ theo lịch, không trì hoãn.
Nếu trẻ có chỉ định hoãn tiêm (do bị ốm hoặc một lý do nào khác) cần liên hệ với đơn vị tiêm chủng để trẻ được tiêm chủng tiếp tục.
Những trẻ không tiêm được vắc xin Quinvaxem
Không tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc xin viêm gan B như:
– Sốt 40ºC trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.
– Sốc trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.
– Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin.
– Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin.
Không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vắc xin có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ.
Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.